NÊN HỌC TIẾNG ANH Y KHOA HAY IELTS?

  1. Writing:

Nếu bạn nào đã từng học IELTS thì đều biết rằng trong IELTS Writing Task 1, chúng ta sẽ phải phân tích và mô tả các biểu đồ, trong đó có các biểu đồ Line graph, Bar chart, Table, Pie chart là các biểu đồ có số liệu. Tương tự như vậy, trong các nghiên cứu khoa học bao gồm cả các nghiên cứu được xuất bản quốc tế, chúng ta thường xuyên phải làm công việc phân tích số liệu và diễn giải các bảng biểu này.

Các bạn hãy thử đọc một đoạn của bài báo quốc tế sau nhé:

Results: A total of 24 nodules (54.2% solid, 37.5% solid predominance, and 8.3% cystic predominance) were included in this study. Significant results in VRR (%) were found at 24 months and 36 months of 69.92 ± 19.23 and 76.84 ± 15.92, respectively. Furthermore, a logarithmic relationship was found when VRR was plotted over time, in both solid and mixed nodules. No correlations were found with any of the ablation parameters. The success rate reached 72.22% at 12 months, and the total complication rate was 16.67% (12.5% minor complications and 4.2% major complications-1 laryngeal nerve palsy), reaching an 83.3% safety. (Nguồn: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31375448/)

Chắc hẳn là các bạn cũng thấy ngôn ngữ mô tả số liệu được sử dụng trong bài báo này có chút quen thuộc đúng không nào?

Tương tự, đối với IELTS Writing Task 2, các cấu trúc ngữ pháp mà chúng ta được học để viết một bài luận chắc chắn cũng sẽ giúp cho bạn có thể tự tin hơn trong việc trình bày một bài báo quốc tế.

  1. Reading:

Việc thường xuyên đọc các tài liệu Tiếng Anh khác nhau, bao gồm cả các tài liệu y học sẽ giúp cho bạn có thể làm chủ được tốc độ đọc của mình và cải thiện được trình độ đọc hiểu. Chúng ta biết rằng, trong bài thi Reading, việc kiểm soát tốc độ đọc là rất quan trọng. Nếu bạn đọc quá nhanh, bạn có thể bỏ sót các thông tin thiết yếu, còn nếu bạn đọc quá chậm thì nhiều khả năng bạn sẽ không hoàn thành được bài thi kịp thời gian. Hơn thế nữa, việc trang bị các kiến thức y học bằng Tiếng Anh cũng giúp bạn có thêm một vốn từ vựng kha khá thì gặp các bài thi có chủ đề liên quan đến y học, vốn là một chủ đề khó cho các thí sinh không học ngành y. Như vậy, theo chiều thứ nhất, chúng ta thấy rằng việc đọc tài liệu Y Khoa bằng Tiếng Anh có thể có lợi cho việc học kỹ năng Reading của IELTS.

Bản thân mình học IELTS từ năm thứ ba đại học, tuy nhiên khi đó mình chỉ học một khóa duy nhất và không ôn tập thêm, do đó điểm Reading của mình cực kỳ kém, với mỗi bài đọc 60 câu mình chỉ trả lời đúng được chưa đến 10 câu, tương đương với khoảng 2.5-3.0. Tuy nhiên, trong suốt quãng thời gian 4-5 năm cho đến khi ra trường, mình vẫn duy trì thói quen đọc báo và các tài liệu chuyên môn bằng Tiếng Anh. Vậy nên, khi mình đi làm và bắt đầu học lại, điểm Reading của mình được cải thiện đáng kể, thường ở mức 6.5-7.0, và sau một thời gian ôn tập có phương pháp đúng đắn, điểm số của mình thường xuyên duy trì ổn định ở mức 8.0-8.5.

Theo chiều ngược lại, khi mình đã nắm vững được kỹ năng Reading của IELTS, mình cảm thấy việc đọc tài liệu Y khoa bỗng trở nên đơn giản hơn rất nhiều, vì việc đọc ấy gần như đã trở thành thói quen và phản xạ.

Như vậy, trong một mối quan hệ hai chiều, rõ ràng là việc đọc tài liệu Y Khoa bằng tiếng Anh và việc học kỹ năng Reading của IELTS có mối quan hệ hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau.

  1. Listening:

Khi bạn học Listening, một lời khuyên mà bạn sẽ thường xuyên được nhắc đến là hãy nghe thật nhiều video chứ đừng chỉ tập trung vào làm test. Các video có thể có từ nhiều nguồn khác nhau không cố định, miễn là bạn thích hoặc quan tâm. Ví dụ như trong quá trình mình ôn thi thì mình thường xuyên xem các video từ Tedtalk, xem chương trình giải trí Asian Next Top Model, và không thể không kể đến là các video về y học, vừa giúp cải thiện kỹ năng nghe, vừa giúp nâng cao kiến thức chuyên môn. Việc luyện nghe như vậy sẽ giúp bạn làm quen với phát âm và ngữ điệu, cũng như là tăng khả năng nghe hiểu Tiếng Anh.  

  1. Speaking:

       Kỹ năng speaking có lẽ là kỹ năng mà mình ít thấy mối liên quan với Tiếng Anh Y Khoa nhất, một phần vì mình chưa sử dụng kỹ năng này nhiều trong công việc. Tuy nhiên, trong suy luận của mình việc bạn nói về bất kỳ một chủ đề gì cũng đòi hỏi bạn có phản xạ, và phản xạ này chỉ được hình thành khi bạn thực hành lặp đi lặp lại nhiều lần. Vậy thì dù là thực hành kỹ năng Speaking của IELTS hay là giao tiếp bằng Tiếng Anh trong công việc cũng sẽ giúp bạn tăng cường phản xạ nói của mình.

       Qua các phân tích như trên, chúng ta thấy rằng Tiếng Anh Y Khoa và IELTS có mối liên quan mật thiết với nhau chứ không hoàn toàn tách biệt. Vậy thì lời khuyên của mình dành cho các bạn là trong một giai đoạn nhất định, việc bạn tập trung vào một trong hai loại Tiếng Anh trên là tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân của bạn, tuy nhiên bạn cũng không nên chỉ chú tâm vào một loại mà bỏ rơi loại còn lại. Và mình chắc chắn rằng việc học bất cứ loại Tiếng Anh nào cũng sẽ đem đến cho bạn những cơ hội và những trải nghiệm vô cùng thú vị và bổ ích.

Chúc các bạn học tốt!

Bài viết cùng danh mục