HỌC TIẾNG ANH Y KHOA SIÊU TỐC QUA HÌNH ẢNH

 

Mình còn nhớ năm thứ hai đại học, mình đã được nghe một lời khuyên từ người thầy của mình, đó là “Phương pháp là quan trọng nhất”. Lời khuyên ngắn gọn nhưng súc tích đó thực sự như một sự thức tỉnh đối với mình, và từ đó tới nay, mình luôn luôn tâm niệm khi học bất cứ một thứ gì, không chỉ là Tiếng Anh Y Khoa, đều phải tìm ra phương pháp hiệu quả trước khi bắt tay vào học, đồng thời luôn luôn điều chỉnh trong suốt quá trình học sao cho phù hợp nhất. Và mình cảm thấy rằng mình đã không hề sai khi làm như vậy.

Trong quá trình tìm tòi các phương pháp và công cụ học Tiếng Anh Y Khoa, có một phương pháp mà mình thấy cực kỳ hiệu quả, không chỉ với mình mà còn với bất cứ ai, đó là Học Qua Hình Ảnh. Cơ sở của phương pháp này rất đơn giản, đó là não bộ của chúng ta có khả năng ghi nhớ hình ảnh tốt hơn gấp nhiều lần so với câu chữ thông thường. Chắc hẳn môn học Giải Phẫu đã từng là nỗi ‘khiếp sợ’ của vô số sinh viên y, và hãy thử tưởng tượng xem, nỗi ‘khiếp sợ’ này sẽ nhân lên gấp bao nhiêu lần nếu chúng ta không có cuốn Atlas trong tay?

Mình đoán rằng đọc đến đây, các bạn sẽ nghĩ: “À, vậy là mỗi khi học một từ, mình sẽ tra hình ảnh thay vì tra nghĩa của thuật ngữ”. Ấy ấy, đừng vội nhé, để mình sẽ phân tích thêm cho các bạn một số trường hợp mà các bạn có thể vận dụng phương pháp Học Qua Hình Ảnh như sau:

  • Thứ nhất là “Học giải phẫu”.

Nghe đến đây có vẻ là hợp lý rồi, vì giải phẫu học qua hình ảnh thì còn gì tốt hơn nhỉ? Tuy nhiên, điểm thú vị là bạn sẽ học được nhiều thuật ngữ cùng một lúc thay vì học từng thuật ngữ riêng lẻ, do đó quá trình học của bạn sẽ được tăng tốc lên rất nhiều. Mình lấy ví dụ bạn muốn biết nghĩa của thuật ngữ “Mitral valve” thì bạn cứ tìm kiếm thuật ngữ này trên google hình ảnh, bạn sẽ thấy hình ảnh của “Mitral valve” hiện ra (Ảnh 1). Tuy nhiên, cũng trong hình ảnh đó, bạn sẽ thấy có nhiều cơ quan, bộ phận khác cũng được chú thích, ví dụ như “Tricuspid valve”, “Aortic valve”, “Pulmonary valve”…thì khi đó, dựa trên các kiến thức sẵn có về giải phẫu của mình, bạn hoàn toàn có thể đoán được nghĩa của các thuật ngữ trong ảnh đó là gì.

 

Ảnh 1. Heart anatomy

 

  • Thứ hai là “Học sinh lý”:

Môn học sinh lý nhiều khi khiến chúng ta cảm thấy ‘rối não’ vì những cơ chế loằng ngoằng, phức tạp. Tuy nhiên, những cơ chế này sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều nếu chúng được minh họa bằng hình ảnh. Vậy thì tại sao không một công đôi việc, vừa học sinh lý, vừa học Tiếng Anh Y Khoa luôn nhỉ? Trong hình ảnh minh họa dưới đây về cơ chế hoạt động của một nephron, chúng ta thấy rằng máu đi vào tiểu động mạch đến (afferent arteriole), sau đó đi vào mao mạch cầu thận (glomerular capillaries) được lọc tại đây và sau đó dịch lọc sẽ đi vào bao Bowman’s (Bowman’s capsule), quá trình này được gọi là lọc máu (filtration), sau đó dịch lọc được tái hấp thu (reabsorption) vào mao mạch quanh ống (peritubular capillaries). Tại đây cũng xảy ra quá trình bài tiết (secretion) theo chiều ngược lại, và kết thúc bằng sự bài xuất nước tiểu (urinary excretion). Ngoài ra, lượng máu còn lại không được lọc tại tiểu cầu thận sẽ đi vào tiểu động mạch đi (Efferent arteriole) sau đó đến mao mạch quanh ống (Peritubular capillaries) và đi tới tĩnh mạch thận (renal vein). Như vậy, trên đây bạn còn có thể thấy rằng, từ hình ảnh và các kiến thức sinh lý sẵn có, mình đã tạo ra một đoạn truyện chêm giúp cho việc ghi nhớ các thuật ngữ này được tốt hơn nữa.

 

Ảnh 2. Physiology of Nephron

 

  • Thứ ba là “Học triệu chứng, bệnh lý”:

Tương tự, đối với triệu chứng và bệnh lý, khi bạn tìm kiếm hình ảnh của các thuật ngữ này, bạn cũng sẽ thấy có nhiều hình ảnh minh họa vô cùng sinh động hiện ra, trong đó có chứa đồng thời nhiều thuật ngữ mà bạn hoàn toàn có thể suy đoán ra được nghĩa của chúng. Ví dụ như mình muốn tìm hiểu về triệu chứng của Covid-19 thì mình sẽ tìm kiếm google hình ảnh với cụm từ “Covid-19 symptoms”. Khi nhìn vào hình ảnh minh họa bên dưới (ảnh 3), mình có thể suy luận ra được “cough” là ho, “shortness of breath” hay “difficulty breathing” là khó thở…Nếu bạn không thể suy luận hết được các thuật ngữ cũng không sao, lượng thuật ngữ mà bạn phải tra đã giảm hơn nhiều so với ban đầu đúng không nào?  Trong lớp học của mình, trước khi dạy về triệu chứng, bệnh lý, mình thường đưa ra các hình ảnh tương tự để học viên có thể tự đoán nghĩa của các triệu chứng trước khi mình tổng hợp lại.

 

Ảnh 3. Symptoms of Coronavirus

 

  • Thứ tư là “Học chẩn đoán, điều trị”:

Vậy đối với việc học các phương pháp chẩn đoán và điều trị thì chúng ta sẽ áp dụng như thế nào đây? Giả sử mình muốn tra cứu thuật ngữ “pulmonectomy” (nhiều khả năng bạn đã đoán được nghĩa của thuật ngữ này nếu bạn đã biết gốc từ “pulmo” có nghĩa là phổi, còn hậu tố “-ectomy” có nghĩa là cắt bỏ) thì với hình minh họa như ảnh 3, mình còn suy luận được “wedge resection” là phẫu thuật cắt hình chêm, “lobectomy” là phẫu thuật cắt thùy phổi, “segmental resection” là phẫu thuật cắt phân thùy phổi, còn “pneumonectomy” đồng nghĩa với thuật ngữ “pulmonectomy” có nghĩa là phẫu thuật cắt phổi. Đây là cách mà mình vẫn thường sử dụng để mở rộng vốn từ vựng của mình.

 

Ảnh 4. Pulmonectomy

 

Và chắc chắn rằng còn vô số trường hợp khác mà chúng ta có thể vận dụng phương pháp Học Qua Hình Ảnh để giúp cho việc học Tiếng Anh Y Khoa của chúng ta trở nên thú vị và hiệu quả hơn. Và một khi bạn thấy việc học này trở nên thú vị và hiệu quả hơn, thì bạn sẽ dần dần nuôi dưỡng sự yêu thích và lòng đam mê với nó, và từ đó việc học của bạn lại càng cho thấy nhiều tiến bộ hơn nữa.

 

Một lần nữa, mình muốn nhắn nhủ với các bạn rằng, có rất nhiều phương pháp học Tiếng Anh nói chung, và phương pháp học Tiếng Anh Y Khoa nói riêng, và việc vận dụng phương pháp nào là hoàn toàn phụ thuộc vào bạn, vào việc bạn cảm thấy phương pháp đó có phù hợp với bản thân mình hay không. Vậy hay luôn luôn tìm tòi và khám phá, đừng giới hạn bộ não của mình trong bất cứ một khuôn khổ cứng nhắc nào bạn nhé, vì khả năng của nó là vô hạn!

 

Chúc các bạn học tốt!

 

 

 

Bài viết cùng danh mục